quiz_1_a_5

6 Cách bổ sung khi suy nhược cơ thể

BS.CK1 Lê Kim Huệ

Suy nhược cơ thể là trạng thái căng thẳng, lo âu, mệt mỏi kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Người bị suy nhược cơ thể thường có biểu hiện chán ăn, ăn uống kém, ngủ không yên giấc dẫn đến sụt cân nhanh do thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng. Vì vậy, người bị suy nhược cơ thể cần được phát hiện sớm, kết hợp nhiều biện pháp điều trị đặc biệt là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe.

BIỂU HIỆN CỦA SUY NHƯỢC CƠ THỂ 

  • Mệt mỏi là biểu hiện thường gặp nhất, mệt mỏi gia tăng khi làm việc nhiều, làm việc gắng sức hoặc khi tinh thần căng thẳng, lo âu hoặc suy nghĩ nhiều.
  • Người bệnh có cảm giác thiếu sức sống, thiếu năng lượng, không đủ sức lực để lao động, làm việc, học tập.
  • Giảm tập trung, hay quên.
  • Thường xuyên nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.
  • Đau mỏi cơ toàn thân, đau nhức xương khớp nhưng không có dấu hiệu viêm như sưng, nóng, đỏ.
  • Thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc hay giật mình thức giấc…
  • Rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, ợ hơi, táo bón, tiêu chảy…
  • Mất cảm giác thèm ăn, gây chán ăn, ăn uống kém.
  • Gầy yếu, sụt cân nhanh dẫn đến suy dinh dưỡng.
  • Da niêm nhợt nhạt, xanh xao, tóc dễ rụng dễ gãy.
  • Miễn dịch suy giảm làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng.
  • Cảm xúc thay đổi thất thường, hay cáu gắt, giận dữ, vui buồn lẫn lộn.
  • Suy giảm chức năng tình dục: Rối loạn kinh nguyệt ở nữ, bất lực và xuất tinh sớm ở nam giới.

NGUYÊN NHÂN SUY NHƯỢC CƠ THỂ

  • Thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết do ăn uống không đa dạng, bỏ bữa, ăn uống kiêng khem quá mức.
  • Làm việc, lao động, luyện tập thể thao quá sức, sinh viên học sinh ôn tập trong mùa thi cử sẽ tiêu hao nhiều năng lượng mà không được bù đắp bởi chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi.
  • Sang chấn tâm lý sau những biến cố trong cuộc sống như mất người thân, mất việc làm, ly hôn…
  • Mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, suy thận, thiếu máu, ung thư… gây suy giảm miễn dịch, mất cân bằng nội tiết, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng dẫn đến suy nhược cơ thể.
  • Tác dụng phụ của thuốc

6 CÁCH BỔ SUNG DINH DƯỠNG KHI SUY NHƯỢC CƠ THỂ

Chế độ dinh dưỡng cân đối từ bữa ăn hàng ngày có tác động trực tiếp và hiệu quả đến việc cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của người suy nhược cơ thể.

  1. Cung cấp đủ năng lượng qua 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ bằng cách lựa chọn những món ăn giàu năng lượng nhưng dễ tiêu hóa, mau hồi phục sức khỏe như bột sữa ngũ cốc, cháo yến mạch nấu tôm và rau củ, cháo lươn đậu xanh, chè hạt sen…
  2. Bổ sung chất đạm vì chất đạm tham gia vào quá trình hình thành hệ cơ, các tế bào và nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể. Lượng đạm cần cung cấp mỗi ngày là 1 g/kg cân nặng. Cụ thể là khoảng 50 g/ngày đối với nữ (tương đương với 240 g thịt hoặc cá) và 60 g/ngày đối với nam (tương đương với 290 g thịt hoặc cá). Sử dụng thực phẩm giàu đạm cho bữa ăn hàng ngày: Thịt bò: 170 – 210 g/ngày, ức gà: 150 – 200 g/ngày, trứng gà: 1 – 3 quả/ngày…
  3. Bổ sung chất bột đường vì ngoài việc cung cấp năng lượng để cơ thể duy trì hoạt động, còn cung cấp năng lượng cho tế bào đặc biệt là tế bào thần kinh. Lượng chất bột đường cần bổ sung cho người suy nhược khoảng 400g/ngày qua những thực phẩm sau đây: Cơm 4 – 6 chén/ngày, khoai tây 100 – 150 g/ngày, mì, bún, bánh phở, dùng tương đương như cơm. Bánh mì, ngũ cốc, yến mạch là những thực phẩm rất giàu tinh bột, phù hợp cho người suy nhược cơ thể
  4. Bổ sung chất béo tốt từ omega-3 giúp hạn chế stress, não bộ linh hoạt hơn. Thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích, đậu hũ, các loại hạt như hạt óc chó, hạt hướng dương, hạt bí ngô…
  5. Bổ sung vitamin và khoáng chất là những dưỡng chất quan trọng giúp người suy nhược cơ thể tăng sức đề kháng và phục hồi sức khỏe.
  6. Vitamin nhóm B thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, tăng cường miễn dịch và duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh. Nhu cầu vitamin nhóm B cho người suy nhược cơ thể mỗi ngày: Vitamin B1 là 1,1 mg, vitamin B2 là 1,5 mg, vitamin B3 là 25 mg, vitamin B6 là 100 mg, vitamin B9 là 1.000 mcg. Vitamin nhóm B có nhiều trong bánh mì, các loại khoai, bắp, các loại đậu, ngũ cốc, yến mạch…
  • Bổ sung các chất khoáng cần thiết như sắt, kẽm, selen giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể 1,5 – 2 lít nước/ngày vì nước hỗ trợ cho hoạt động chuyển hóa và hạn chế căng thẳng ở người suy nhược cơ thể.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, người suy nhược cơ thể nên thường xuyên tập luyện thể dục với những bài tập nhẹ nhàng giúp nâng cao thể trạng và thư giãn tinh thần. Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ngủ sớm, tránh thức khuya, chỉ sử dụng thuốc ngủ khi thật sự cần thiết. Giải quyết những nguyên nhân chính gây suy nhược cơ thể như giảm áp lực công việc, điều trị các bệnh lý nền, tư vấn những vấn đề tâm lý và biến cố trong cuộc sống.

CH-20230805-01