4

Lợi ích của kết hợp giữa việc tập thể dục đều đặn và dinh dưỡng hợp lý.

Theo điều tra hiện nay, các yếu tố của bệnh mạn tính không lây là đáng báo động tại Việt Nam với tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới Việt Nam là  43,5%, tỉ lệ uống rượu bia thường xuyên là 43,8% trong đó nam giới là 77,3% và nữ giới là 11%, tỉ lệ thiếu hoạt động thể lực là 28,1% trong đó nam giới là 20,2% và nữ giới là 35,7%, tỉ lệ tiêu thụ muối là gấp 2-4 lần so với khuyến nghị, tỉ lệ ăn thiếu rau xanh và trái cây 57,2 – 80%. Hậu quả là 32% dân số có tăng cholesterol, 21,1% tăng huyết áp, 15% thừa cân béo phì và 4,1% đái tháo đường. 

Ngoài ra, theo kết quả điều tra tại Việt Nam, tỉ lệ thiếu mật độ xương gia tăng mạnh ở người từ 50 tuổi trở lên và loãng xương ở phụ nữ từ 60 tuổi trở lên và nam giới từ 70 tuổi trở lên. Tỉ lệ thiếu mật độ xương ở trong độ tuổi 50-59 tuổi là 51,7% và thiếu mật độ xương ở nam giới trong độ tuổi 50-59 tuổi là 43,2%. Tỉ lệ loãng xương ở nữ giới trong độ tuổi 60-69 tuổi là 16,1% và tỉ lệ loãng xương của nam giới trong độ tuổi 70-99 tuổi là 21,4%. Bên cạnh đó có trung bình 10% người cao tuổi (trên 60 tuổi) có suy dinh dưỡng thể teo cơ (sarcopenia).

Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động hiện nay rõ ràng là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa nhiều vấn đề sức khỏe từ bệnh mạn tính không lây cũng như các bệnh suy dinh dưỡng thể sụt giảm khối cơ (sarcopenia), loãng xương nêu trên. Tuy nhiên vai trò của sự kết hợp giữa hai yếu tố này đôi khi chưa được đánh giá đúng mức. 

Trước tiên chúng hỗ trợ cho nhau giúp đạt mục tiêu tốt hơn mà không quá tải ở một phía nào. Ví dụ thường gặp cho luận điểm này là điều trị giảm cân. Ăn kiêng giúp giảm năng lượng đưa vào, thể dục giúp tăng tiêu hao năng lượng. Nếu phối hợp với nhau sẽ giúp không giảm ăn quá mức hoặc tăng thể dục quá mức. Nhưng quan trọng hơn hết là cơ chế tác động của vận động và ăn uống hợp lý là khác nhau trên từng vấn đề và không thể thay thế cho nhau. Tức là chúng ta không thể suy nghĩ là thôi thay vì thể dục quá mệt mỏi thì chỉ cần ăn kiêng là được hoặc ngược lại. Do đó cần thực hiện cả hai để đạt hiệu quả tối ưu. Chứng minh cho quan điểm này đầu tiên là trong phòng chống loãng xương. Ăn uống hợp lý giúp gia tăng cung cấp nguồn nguyên liệu cho xây dựng cấu trúc xương như canxi, phospho, vitamin D…, nhưng vận động lại giúp giảm tốc độ hủy xương nhờ xương tác động với trọng lực và đặc biệt là gia tăng sức mạnh khối cơ, tăng khả năng thăng bằng chống té ngã góp phần trong việc phòng chống gẫy xương bệnh lý. Để đạt được điều này, vận động trong phòng chống loãng xương phải kết hợp vận động có tác động với trọng lực (các loại hình đi chạy trên mặt đất) kết hợp vận động có kháng lực và các bài tập thăng bằng. Trong điều trị béo phì, vận động giúp tăng khối cơ và tăng mật độ xương điều này giúp tránh mất khối cơ và xương khi giảm cân. Để đạt được hiệu quả này, vận động trong giảm cân phải phối hợp vận động với loại hình aerobic và vận động kháng lực. Ví dụ cuối cùng là vận động kết hợp ăn uống trong phòng chống sụt giảm khối cơ ở người cao tuổi. Chế độ ăn đơn thuần sẽ không giúp nhiều cho việc cải thiện khối cơ mà phải kết hợp với vận động với bài tập kháng lực và thăng bằng mới giúp tăng cường khối cơ ở người cao tuổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người trưởng thành nên vận động ít nhất 150 phút cường độ từ trung bình trở lên mỗi tuần. Vận động aerobic bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội. Vận động kháng lực bao gồm vận động với tạ, dây, các bài tập chống đẩy. Vận động thăng bằng bao gồm các bài tập chuyển tư thế từ đứng sang ngồi và ngược lại và các bài tập khác. Về chế độ ăn, nên ăn 4 phần rau, 3 phần trái cây mỗi ngày, mỗi phần 80 gram, sử dụng 3-4 đơn vị sữa mỗi ngày (một đơn vị sữa tương đương 100ml sữa, hoặc 1 hộp sữa chua hoặc 1 viên phô mai tam giác), không tiêu thụ quá 5 gram muối mỗi ngày, không tiêu thụ 50 gram đường mỗi ngày và không tiêu thụ quá 70 gram thịt đỏ mỗi ngày.

TS.BS. Trần Quốc Cường

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

CH-20230605-05