image-13

Vai trò và tác dụng của vitamin B12

Vitamin B12 khác với các loại vitamin nhóm B khác nó hầu như không có trong các trong các thức ăn thực vật. Các thức ăn động vật là nguồn cung cấp vitamin B12. Các thực phẩm như thịt, cá, gia cầm, sữa, sò, gan… là nguồn thức ăn giàu vitamin B12. Vitamin B12 có cấu trúc hóa học lớn và phức tạp nhất trong số các vitamin và có nguyên tố coban trong phân tử, do vậy các hợp chất có hoạt tính của vitamin B12 được gọi chung là “cobalamin”. Methylcobalamin và 5-deoxyadenosylcobalamin là các dạng hoạt động trao đổi chất của vitamin B12 trong cơ thể người. Vitamin B12 cần thiết cho sự phát triển, myelin hóa và chức năng của hệ thần kinh trung ương; hình thành tế bào hồng cầu khỏe mạnh và tổng hợp DNA.

Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng như một đồng yếu tố (cofactor) tham gia tổng hợp methionine: Vitamin B12 hoạt động như một cofactor gắn vào enzyme cần thiết cho hoạt tính của hai loại enzyme gồm methionine synthase và L-methylmalonyl-CoA mutase. Methionine synthase xúc tác quá trình chuyển hoá homocysteine thành acid amin thiết yếu methionine. Methionin cần cho quá trình tổng hợp S-adenosylmethionine, là một chất chuyển giao nhóm methyl trong các phản ứng methyl hóa sinh học trong đó có phản ứng methyl hóa một số phần của DNA, RNA, protein và lipid. Phản ứng methyl hóa DNA có vai trò quan trọng trong dự phòng ung thư. Tổng hợp methinonin không đầy đủ có thể dẫn tới tích lũy homocysteine là chất có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Vitamin B12 đóng vai trò đồng yếu tố trong chuyển hóa L-methylmalonyl-CoA: L-methylmalonyl-CoA được chuyển hóa thành succinyl-CoA trong quá trình chuyển hóa propionate, một acid béo chuỗi ngắn với sự xúc tác của hệ thống enzyme có sự tham gia của một dẫn chất của vitamin B12 là 5-Deoxyadenosylcobalamin. Phản ứng chuyển hóa này đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh năng lượng từ chất béo và chất đạm. Ngoài ra, succinyl CoA cần thiết để tổng hợp hemoglobin là chất vận chuyển oxy trong tế bào máu.

Vitamin B12 tham gia vào quá trình hấp thu, vận chuyển và đào thải các chất: vitamin B12 trong thực phẩm ở dạng enzyme gắn với protein và được giải phóng nhờ tác dụng nhiệt, dịch vị dạ dày và enzyme pepsin. Khi được giải phóng khỏi protein thức ăn, vitamin B12 tiếp tục gắn với protein đặc hiệu gọi là R-protein được tiết ra trong nước bọt và dịch vị dạ dày có ái lực với vitamin B12 để tạo thành phức hợp vitamin B12-R protein. Phức hợp này đi tới ruột non và được thủy phân nhờ men tụy pancreatic protease để giải phóng vitamin B12 tự do. Vitamin B12 tự do trong ruột non được gắn với yếu tố IF để tạo thành phức hợp IF-B12 bảo vệ vitamin B12 khỏi bị phá hủy bởi các vi khuẩn trong ruột và làm tăng khả năng gắn của vitamin B12 với các thụ thể ở nhung mao ruột non, tạo thành phức hợp IF-B12-IF receptor được hấp thu vào các tế bào ruột non. Quá trình hấp thu vitamin B12 diễn ra chậm chạp trong khoảng 3-4 giờ. Trong tế bào, vitamin B12 gắn với 3 enzyme phụ thuộc vào vitamin B12 gồm: methionine synthetase, methylmalonyl- CoA mutase, và L-α-leucine aminonutase. Dạng chủ yếu của vitamin B12 trong huyết tương là methylcobalamin. Vitamin B12 phần lớn được đào thải qua nước tiểu.

Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến các hậu quả như: Biểu hiện thần kinh xảy ra ở khoảng 75-90% bệnh nhân bị thiếu vitamin B12 nhưng các triệu chứng khác chỉ xảy ra ở khoảng 25% bệnh nhân bị thiếu vitamin B12 đặc biệt các bệnh nhân được bổ sung acid folic thì hầu hết chỉ có triệu chứng thần kinh mà không có kèm theo các triệu chứng khác. Các biểu hiện thần kinh nặng gồm thoái hóa thần kinh tủy sống bán cấp, liệt thần kinh ngoại biên tiến triển, giảm hoặc mất trí nhớ và tâm thần phân liệt. Bên cạnh đó, thiếu vitamin B12 gây thiếu máu hồng cầu to và gây thiếu máu ác tính là dạng đặc biệt của thiếu máu hồng cầu to do thiếu yếu tố IF nên không hấp thu được vitamin B12.

ThS. Huỳnh Thành Đạt

Giảng viên Trường Đại học Văn Hiến

CH-20230805-01